KỶ NIỆM HƯƠNG SƠN
Đất trời đã vào tiết tháng 3, cũng là lúc chùa Hương vãn hội, dòng suối Yến đã xanh trở lại một màu rêu phong lịch sử. Ven dòng suối, đã thấy lác đác những bông gạo đỏ, trông xa giống như những ngọn lửa nhỏ.
Chẳng còn cảnh tấp nập, ồn ã, chen chân xuống đò như ngày đầu mở hội, suối Yến hôm nay vắng hơn, một dãy những con đò sơn màu đỏ nằm chen nhau lặng lẽ. Cái rét nàng Bân theo cơn gió mùa Đông Bắc đang tràn xuống khắp nẻo đất trời Hà Nội, mang theo cả những cơn mưa rây lất phất. Đất Phật Hương Sơn nhuộm một màu bàng bạc cuối chiều.
Người dân ở đây kể rằng, năm nào cũng vậy, cứ đến cữ này trời lại có mưa. Có năm nước dâng chạm cầu Hội để rửa đền, rửa chùa sau những ngày Chùa Hương vào hội, đón khách thập phương về chiêm bái.
Dâng hương tại đền Trình
Trước khi xuôi dòng Yến, cả đoàn đã dừng chân, dâng hương tại đền Trình. Ngôi đền nhỏ nằm ngay bên dòng suối Yến, cách bến đò khoảng 500m. Đền Trình được xây dựng dưới chân núi Ngũ Nhạc, thờ Quan Tư Mã Hùng Lang – vị thần nhà trời xuống phù vua đánh giặc.
Rời đến Trình, cả đoàn tiếp tục về chùa Hương – nơi đất thiêng còn lưu dấu ấn của Đức phật Quán Thế Âm. Những con thuyền ngược dòng khua sóng nước mênh mang. Vẻ mặt thanh thản, bình yên còn hiện rõ trên gương mặt của những người khách thập phương sau khi vào chiêm bái cõi Phật. Trên thuyền, những thành viên Phúc Thanh nói cười rôm rả. Bao muộn phiền của cuộc sống thường ngày dường như đã hòa tan, biến mất trong dòng nước kia, chỉ những giây phút thảnh thơi, tự tại là còn ở lại.
Trên dòng suối Yến
Thuyền cập bến Thiên Trù khi trời đã muộn. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. “Anh nhớ lần đi chùa Hương với Hà béo và các anh em, trời còn mưa hơn thế này nhiều. Hôm ấy, đoàn phải nghỉ lại qua đêm, 3h sáng mới quốc bộ lên động Hương Tích. 4h30 đến nơi, lễ xong cũng là lúc trời tỏ rạng” – Huynh trưởng Nguyễn Đức Thanh kể chuyện.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt
Trong những lần đi lễ, tôi thật sự ấn tượng về anh, người Chủ tịch đứng đầu tập đoàn nhưng lúc nào cũng ân cần, chu đáo với những người bạn hữu, với những nhân viên của mình, từ những việc rất nhỏ. “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, đó là những điều anh thường dặn dò chúng tôi – những người phụ trách công tác “hậu cần” cho mỗi chuyến đi.
Động Hương Tích như một cái hàm rồng, thênh thang, hun hút. Bên trong, nhũ đá lung linh với những hình ảnh sống động, nào là cây bạc, cây vàng, khánh đá, cà sa nhũ Phật… Đây là nơi Chúa Trịnh Sâm từng đến thăm quan và không tiếc lời khen, đặt tên: Nam thiên đệ nhất động, tức động đẹp nhất trời Nam. Động Hương tích đã trở thành nơi thờ Phật lớn nhất của di tích Chùa Hương, nơi lưu dấu ấn của Bồ Tát Quá Thế Âm.
Lối xuống động Hương Tích
Phật thoại kể lại rằng: Nàng công chúa Diệu Thiện con vua Diệu Trang Vương, vì muốn cứu nhân độ thế, không chịu lập gia đình, không nghe lời vua cha nên bị mang ra pháp trường xử trảm. Khi sắp bị hành hình, liền được thần núi Hương Tích hóa hiện lốt hổ, nhảy vào cứu và cõng về đặt tại động đá núi Hương Sơn. Khi tỉnh dậy, nàng được tắm nước giếng thiên nhiên thanh trì để tẩy sạch bụi trần và được Đức Phật ấn chân cho đi thăm 18 tầng địa ngục. Sau khi thấu tỏ những nỗi khổ của chúng sinh trên trần thế, Ngài được chỉ đường vào động Hương tích tu hành 9 năm thì đắc đạo.
Dấu tích nơi mãnh hổ đặt ngài xuống Hương Sơn và dấu ấn Đức Phật ấn chân cho bà đi thăm cảnh khổ của địa ngục nay vẫn còn ở Am Phật Tích. Nước bà tắm rửa để gội sạch bụi trần gọi là nước Giải Oan.
Giữa chốn linh thiêng đất Phật, Huynh trưởng Nguyễn Đức Thanh cùng các thành viên, đã mượn chút hoa thơm, quả ngọt, thành kính dâng nén tâm nhang. Như có một đại duyên định trước, khi đoạn nhạc “thu tâm” vừa dứt cũng là lúc các Tôn đức tăng ni, phật tử tại chùa Hương bắt đầu khóa lễ Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm (xướng lễ, lạy 500 danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm)
Đoàn Phúc Thanh cùng tham gia khóa lễ Ngũ Bách Danh
Cả động Hương Tích linh thiêng màu nhiệm với những ánh nến lung linh hòa cùng tiếng niệm Quan Âm – những danh hiệu mang ý nghĩa đặc biệt về tinh thần tu tập và hạnh nguyện hóa độ chúng sinh của Bồ Tát Quan Âm tới các phật tử.
Quả là một điều kỳ diệu. Trước khi đi lễ, Huynh trưởng Nguyễn Đức Thanh dự định sẽ thực hiện khóa lễ Ngũ Bách Danh tại động Hương Tích. Thế nhưng, khi đọc thử 500 câu danh niệm Bồ Tát, mất khoảng 1h, sợ các thành viên không đủ thời gian nên anh đành để lại bản in, đợi đến dịp khác. “Hôm nay quả là đại duyên cho tất cả chúng ta”.
Hoan hỉ trước đại duyên mà các thành viên Phúc Thanh có được, phật tử Diệu Trí quả quyết: “Dẫu ở lại đến sáng mai để được tham gia trọn vẹn khóa lễ tôi cũng sẵn sàng”.
Với mỗi Phật tử, được tham gia trọn vẹn một khóa lễ Ngũ Bách Danh sẽ mang lại rất nhiều phước báu. Trong giờ phút linh thiêng, mọi tâm nguyện, ước muốn của mỗi thành viên sẽ thấu được đến Đức Phật Quán Thế Âm, người có lòng từ bi vô hạn.
Khóa lễ kết thúc trong viên mãn với bài kinh Bát Nhã. Cả đoàn “hạ sơn” khi màn đêm đã giăng kín núi rừng. Cáp treo đã dừng hoạt động, mưa vẫn rơi, thi thoảng có tiếng nước đổ ào ào từ tấm bạt che của các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Trong ánh đèn pin loang loáng, các bậc đá nối dài tít tắp. Tay nắm tay, những bước chân bước tựa bên nhau vững chãi. Tiếng cười nói vẫn vang rộn một góc rừng.
Ngoài kia, suối Yến đã ngủ, hay vẫn còn lao xao tiếng mái chèo khua, chờ đoàn khách cuối cùng rời chùa Hương trong ngày nguyệt cát?